Hoán dụ là gì? Hoán dụ là một trong các kiến thức về tu từ quan trọng nhưng cũng khó thành thục nhất, theo ý kiến của nhiều bạn học sinh. Để giúp mọi người có cái nhìn cô đọng, dễ hiểu, dễ vận dụng nhất về chủ đề kiến thức này, chúng tôi đã tổng hợp kiến thức về nghệ thuật hoán dụ ngay dưới đây.
Hoán dụ là gì?
Định nghĩa hoán dụ là gì?
Hiểu đơn giản nhất thì hoán dụ là gì? Dựa trên khái niệm SGK Ngữ văn 6: “Hoán dụ là cách gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác mà nó quan hệ gần gũi với nó”.
Tác dụng của nghệ thuật hoán dụ “nhằm làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt”.
Phân tích ví dụ về nghệ thuật hoán dụ dễ hiểu nhất
Ví dụ 1: “Nam là một chân sút cừ khôi trong đội bóng trường năm nay”
Hình ảnh “chân sút” được nói đến ở đây có liên quan và dùng để chỉ đến cầu thủ bóng đá.
Ví dụ 2: “Duy là lớp trưởng rất trách nhiệm và tốt bụng nên được cả lớp yêu quý”
“Cả lớp” là một hình ảnh hoán dụ dùng để chỉ toàn bộ những học sinh có trong lớp đó.
Ví dụ 3: “Cụ nghẹn lòng, bao nhiêu năm bươn chải ngoài đời, bây giờ màn trời chiếu đất lại phải chịu cảnh người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh”.
Hình ảnh hoán dụ “người đầu bạc” để nói về người cao tuổi, còn “kẻ đầu xanh” chỉ người còn trẻ tuổi.
Ví dụ 4: “Một cây làm chẳng nên non / Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” (ca dao / tục ngữ Việt Nam)
“Một cây” là hình ảnh hoán dụ chỉ sự đơn lẻ, một mình. Còn “Ba cây” là nói đến sự hợp sức, hợp lòng, đoàn kết của nhiều người lại với nhau.
Các hình thức hoán dụ là gì?
Bên cạnh khái niệm hoán dụ là gì thì các học sinh cần nắm vững 4 hình thức hoán dụ cụ thể sau đây:
Kiểu 1: Lấy cái cụ thể gọi cái trừu tượng
Là cách sử dụng các từ ngữ đơn lẻ, cái riêng để liên tưởng đến cái chung, cái trừu tượng hơn.
Chẳng hạn như: “Vì lợi ích 10 năm trồng cây / vì lợi ích trăm năm trồng người”
Nghệ thuật hoán dụ lấy cái cụ thể là “trồng cây” cho cái trừu tượng hơn là “trồng người”. Câu nói mang ý nghĩa nhắn gửi về vai trò, lợi ích của việc giáo dục / đào tạo con người ở hiện tại, có ý nghĩa to lớn quyết định tương lai, sự phát triển của đất nước về sau.
Tương tự ở ví dụ 4, phần trên, chính là một phép hoán dụ lấy cái cụ thể gọi cái trừu tượng.
Kiểu 2: Lấy một bộ phận để gọi cái toàn thể
Là cách nói về một bộ phận trên chủ với ngụ ý nhắc đến chính chủ thể đó.
Chẳng hạn như câu “Bàn tay ta làm nên tất cả / Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”
“Bàn tay” là một bộ phận trên cơ thể, được dùng để nói đến một con người lao động hoàn chỉnh. Vậy trong đây, ý nghĩa của nghệ thuật hoán dụ là gì? Nó mang hàm ý nhắn nhủ “có chăm chỉ lao động thì nhất định sẽ đạt được kết quả mong muốn”.
Tương tự ở ví dụ số 1, phần 2, là một phép tu từ lấy bộ phận để gọi toàn thể.
Kiểu 3: Lấy vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng
Là cách lấy những vật chứa đựng lớn / cái bao trùm để gọi tên sự vật bị chứa đựng (bao trùm) trong đó.
Chẳng hạn như câu thơ “Vì sao Trái Đất nặng ân tình / nhớ mãi tên người Hồ Chí Minh”
Hình ảnh hoán dụ “Trái Đất” để nói về con người, nhân loại, đặc biệt là nhân dân Việt Nam.
Tương tự ở ví dụ số 2 bên trên, là một phép hoán dụ lấy vật chứa đựng (cả lớp) để gọi vật bị chứa đựng (học sinh trong lớp).
Kiểu 4: Lấy dấu hiệu của sự vật để gọi sự vật
Là phép hoán dụ dùng những dấu hiệu đặc trưng của sự vật để gọi tên sự vật đó.
Chẳng hạn như: “Sen tàn, cúc lại nở hoa / Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”
Hình ảnh hoán dụ lấy “sen” – loài hoa nở vào mùa xuân, để nói về mùa xuân. Còn “Cúc” – loài hoa nở vào mùa thu, để nhắc về mùa thu.
Tương tự ví dụ 3 phần 2, là một phép hoán dụ lấy dấu hiệu sự vật để chỉ sự vật.
Câu cảm thán: Khái niệm và cách sử dụng
Trạng ngữ là gì? Phân biệt các loại trạng ngữ
Phân biệt ẩn dụ và hoán dụ
Ẩn dụ và hoán dụ là hia trong số các nghệ thuật tu từ điển hình, rất thường gặp. Tuy nhiên, giữa chúng rất dễ gây hiểu lầm, lẫn lộn với nhau. Để phân biệt rạch ròi được 2 phép tu từ này, đầu tiên, các bạn cần ôn lại khái niệm ẩn dụ là gì?
Hiểu đơn giản, ẩn dụ là cách “ta gọi tên một sự vật (sự việc) này bằng tên của một sự vật (sự việc) khác có nét tương đồng với nhau.
Điểm chung giữa ẩn dụ và hoán dụ là gì?
- Đều giống nhau về cách thức: Gọi tên sự vật, sự việc này bằng tên sự vật, sự việc khác
- Đều sử dụng liên tưởng
- Tác dụng chung là làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt
Điểm khác biệt giữa ẩn dụ và hoán dụ là gì?
Hoán dụ dựa trên mối quan hệ tương cận (liên quan) giữa hai sự vật, hiện tượng. Chính vì thế, ta có thể tìm ra mối liên quan trực tiếp giữa hai đối tượng được nhắc.
Chẳng hạn như: “Áo chàm đưa buổi phân ly / Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
“Áo chàm” là hình ảnh hoán dụ để nói về người dân Việt Bắc. Mối quan hệ trực tiếp có thể tìm thấy vì “áo chàm” là màu sắc trang phục đặc trưng được người dân nơi đây sử dụng.
Ẩn dụ dựa trên mối quan hệ tương đồng (giống nhau), còn được hiểu là phép “so sánh ngầm”. Vì thế, hai sự vật này có thể không liên quan trực tiếp đến nhau.
Chẳng hạn như: “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng / thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
Hình ảnh ẩn dụ “mặt trời” để nhắc về Bác Hồ, mặc dụ khi đem ra khỏi văn cảnh thì “Bác Hồ” và “mặt trời” không có mối liên quan trực tiếp. Cách ẩn dụ này nhằm ca ngợi công lao, tầm vóc vĩ đại của Bác đối với đất nước, giống như ánh sáng đối với sự sống, nhân loại.
Kiến thức về nghệ thuật tu từ thực ra không quá phức tạp. Khi các bạn hiểu được bản chất khái niệm Hoán dụ là gì? Thì hoàn toàn có thể giải quyết các bài tập liên quan nhanh, chính xác. Mong rằng kiến thức phép hoán dụ mà camnangdienmay.net mang đến sẽ giúp các bạn nắm vững hơn về chủ đề này.